Chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc mẹ bầu
Trong thời kỳ thai nghén, nếu người mẹ thiếu chất dinh dưỡng, nhất là không được bổ sung đầy đủ canxi và khoáng chất, sẽ làm ảnh hưởng đến quá trình hình thành, phát triển răng của trẻ sau này.
Vì vậy, để đứa trẻ sau này có hàm răng khỏe mạnh thì chế độ dinh dưỡng của người mẹ khi mang thai là vô cùng quan trọng. Dưới đây là một số chất người mẹ cần phải bổ sung trong thời kỳ thai nghén để đứa trẻ ra đời có hàm răng khỏe mạnh.
Chất đạm:
Đạm, chất căn bản của mọi loại tế bào, trong đó có răng, là chất phải có trong thời kỳ mẹ mang thai. Lượng protein (chất đạm) của người mẹ có thai tăng lên so với bình thường trung bình là 10g/ngày, vào 6 tháng cuối tăng thêm là 15g/ngày. Thiếu đạm, răng sữa có thể không nhú được mà sau này còn dễ bị hỏng.
Chất xơ:
Chất xơ trong loại thực phẩm này có tác dụng tẩy cọ, chải sạch răng, kích thích hệ thống tuần hoàn ở niêm mạc miệng, lợi và mô quanh răng, kích thích nước bọt chảy nhiều để tiêu hóa tốt thức ăn. Nhờ đó, nó tác dụng rất lớn trong việc phòng ngừa bệnh răng miệng.
Canxi:
Ngay trong khi còn nằm trong bụng mẹ, mầm răng của thai nhi bắt đầu hình thành khoảng từ cuối quý hai và quý ba của thai kỳ. Cùng với hình thành cung hàm, mầm răng được hình thành tồn tại suốt trong khi thai nằm trong bụng mẹ. Mầm răng chủ yếu là canxi. Trong thời kỳ này mầm răng tích lũy dần canxi để 4 hoặc 5 tháng sau khi sinh, răng sữa bắt đầu xuất hiện trong đó hai răng cửa của hàm trên xuất hiện trước. Nếu thiếu chất canxi, răng sẽ mọc chậm hoặc không mọc. Trong thời kỳ mang thai mà mẹ không được cung cấp đủ canxi thì không những mầm răng phát triển không tốt, sau sinh đứa trẻ sẽ chậm mọc răng, chất lượng răng không tốt, dễ sún, dòn hay bị vỡ. Điều này không những ảnh hưởng đến sức nhai, khả năng khiến trẻ tiêu hóa chậm lên cân. Vì vậy, trong khi có thai, thai phụ phải được cung cấp đầy đủ một lượng canxi từ 1.500 - 2.000mg để đảm bảo cho thai nhi phát triển về bộ xương cũng như về mầm răng. Nếu chứa nhiều thai thì liều lượng canxi phải tăng nhiều hơn trong thời kỳ thai nghén và cho con bú để đáp ứng nhu cầu phát triển của tất cả các thai. Nếu không được cung cấp đầy đủ, để phục vụ nhu cầu cho thai nhi phát triển và nuôi con bằng sữa mẹ, theo lẽ tự nhiên, cơ thể tự điều bằng cách lấy bớt canxin, gây nên tình trạng loãng xương, có khi gây dính cột sống, dễ bị gãy xương. Nguồn thực phẩm tốt nhất chứa canxi là sữa và những sản phẩm làm từ bơ sữa. Tuy nhiên, nếu bạn không chịu được đường lactose hoặc không thích sữa và những sản phẩm từ sữa, bạn cần hỏi bác sĩ về loại thuốc bổ sung canxi. (Những dấu hiệu cho thấy không chịu được đường lactose là tiêu chảy, sưng phù hay đầy khí sau khi uống sữa hoặc sản phẩm làm từ sữa).
Vitamin D:
Vitamin D là chất xúc tác giúp cho cơ thể hấp thu canxi, phốt pho (những chất rất cần thiết cho sự cấu tạo xương, răng và duy trì mọi hoạt động của cơ thể). Nếu thiếu vitamin D, trẻ sẽ chậm mọc răng, men và ngà răng bị mềm hơn bình thường nên răng dễ bị sâu và bệnh này sẽ tiến triển nhanh hơn bình thường. Vitamin D có nhiều trong gan cá và gan các động vật khác, lòng đỏ trứng, dầu thực vật… Liều dùng cần thiết 400 - 800 IU/ngày.
Vitamin A:
Vitamin A để tạo chất keratin cho men răng (enamel). Thiếu sinh tố A làm men nứt, xương hàm kém phát triển khiến cho răng mọc không ngay hàng. Vitamin A có nhiều trong các loại rau trái có màu đỏ như cà rốt, cà chua, gấc, bí đỏ… hay các thực phẩm như: gan lợn, gan cá, lòng đỏ trứng, bầu dục lợn, sữa… Loại vitamin này tan trong dầu, khá bền, khó bị tiêu hủy bởi nấu nướng. Mỗi người cần 1.500 - 4.000 IU/ngày; phụ nữ có thai cần 5.000 - 6.000 IU/ngày.
Iod:
Người mẹ trước và trong quá trình mang thai bị thiếu iod sẽ để lại những hậu quả nghiêm trọng cho sự phát triển thai nhi có khi dẫn tới những dị tật bẩm sinh với bệnh trì độn. Đồng thời, iod còn giúp răng mau nhú.
BS. ANH ĐỨC (Theo Sức khỏe và đời sống)
Mom Care: Dich vu cham soc sau sinh tai nha o TPHCM