Chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc bé
Mất thính lực (giảm khả năng nghe hoặc điếc) là một trong những rối loạn thường gặp ở trẻ nhỏ. Trong khi đó, việc phát hiện mất thính lực ở trẻ thường rất muộn nên việc điều trị cả điếc và ngôn ngữ đều rất khó khăn. Chính vì vậy, những kiến thức giúp cha mẹ và người chăm sóc trẻ cách phát hiện sớm dị tật trên là vô cùng quan trọng nhất là ở nơi xa bệnh viện.
Trẻ nào có nguy cơ mất thính lực ?
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến mất thính lực , trong đó chỉ có khoảng một nửa các trường hợp có thể xác định được nguyên nhân, những nguyên nhân thường gặp nhất là do mắc phải trong quá trình mang thai, sinh đẻ và yếu tố di truyền. Trẻ có nguy cơ mất thính lực cao hơn những trẻ khác khi trẻ đẻ non hoặc sinh nhẹ cân, có các dấu hiệu suy hô hấp sau đẻ, phải thông khí hỗ trợ kéo dài; trẻ bị vàng da, viêm màng não; chỉ số Apgar sau đẻ thấp; trẻ bị bất thường cấu trúc ở đầu, mặt, cấu trúc bất thường của tai ngoài và tai giữa...; khi những bà mẹ mắc một số bệnh lý trong lúc mang thai: giang mai, rubella, herpes... hoặc các bà mẹ tiếp xúc hay sử dụng các thuốc kháng sinh, hóa chất độc hại; tiền sử gia đình có người mất thính lực.
Tuy nhiên, ngay cả những trẻ không có các yếu tố nguy cơ này, vẫn có khả năng mất thính lực, vì vậy cần thực hiện sàng lọc mất thính lực cho mọi trẻ sơ sinh trước khi ra viện về nhà. So với trẻ có thính lực bình thường, các trẻ giảm hoặc mất thính lực có nhiều khó khăn trong giao tiếp, cả bằng lời và ngôn ngữ cử chỉ, gia tăng các rối loạn hành vi, gặp nhiều khó khăn trong giáo dục. Việc phát hiện và điều trị sớm mang lại những lợi ích rất thiết thực cho trẻ và gia đình.
Cách phát hiện
Ở trẻ sơ sinh đến 3 tháng tuổi không giật mình khi có âm thanh lớn hoặc ngừng bú hay khóc khi có âm thanh lạ. Ở trẻ lớn hơn có các dấu hiệu rõ ràng hơn như: trẻ không có biểu cảm trước các âm thanh (mẹ nói chuyện, vỗ tay,…); trẻ học nói muộn hơn bình thường, ngơ ngác khi nói chuyện, nói ngọng, nhìn miệng đoán từ,… Nếu nghi ngờ nghe kém có thể kiểm tra trẻ theo cách sau:
Đối với trẻ nhũ nhi đến 3 tháng tuổi: Để trẻ nằm trên giường người thử đứng ở phía đầu trẻ cách nửa mét, vỗ tay hay dùng xúc xắc để phát ra tiếng động xem trẻ có quay đầu lại không, làm lại 3 lần.
Đối với trẻ lớn hơn: Để trẻ ngồi quay lưng lại với người lớn thử lần lượt bịt từng tai và hướng về bên đối diện nói từng từ đơn, cường độ nói bình thường để trẻ nhắc lại, làm 4-5 lần và nếu trẻ nhắc lại đúng từng từ đó có thể coi trẻ có sức nghe bình thường. Làm lại với tai đối diện. Nếu trẻ nói sai hoặc nói không đúng tất cả các lần thử thì cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế có chuyên khoa tai mũi họng để được đo thính lực.
Bác sĩ Nguyễn Tuyết (Theo Sức khỏe và đời sống)