Mẹ bầu cần bổ sung dưỡng chất thiết yếu Acid folic

Mẹ bầu cần bổ sung dưỡng chất thiết yếu Acid folic

Chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc phụ nữ mang thai

Acid folic (folate) còn gọi là vitamin B9, là một loại vitamin cần thiết cho dinh dưỡng hằng ngày của cơ thể người, giúp tổng hợp ADN và là một trong những vi chất quan trọng đối với sự phát triển toàn diện của bào thai, nhất là hệ thần kinh.
Hậu quả của thiếu acid folic là khiếm khuyết ống thần kinh gây ra thai vô sọ, thoát vị não - màng não, hở đốt sống, gai đôi cột sống và làm tăng nguy cơ dị tật ở tim, chi, đường tiểu, sứt môi, hở hàm ếch...
Vì ống thần kinh của thai nhi được hình thành trong 4 tuần đầu của thai kỳ, nên việc bổ sung acid folic phải được thực hiện ngay từ khi có ý định mang thai cho đến hết 3 tháng đầu của thai kỳ. Các nghiên cứu trên thế giới cho thấy, bổ sung acid folic giúp giảm được từ 50 - 70% các dị tật do khiếm khuyết ống thần kinh gây ra.
 
Nhu cầu acid folic

Nhu cầu trung bình 3mcg/kg trọng lượng cơ thể đáp ứng được cho nhu cầu người trưởng thành, tương đương 180 - 200mcg/ngày. Nhu cầu tăng lên trong khi mang thai cần 400mcg/ngày để đáp ứng: sự gia tăng của quá trình phân chia tế bào cũng như tăng kích thước tử cung. Cần cho tổng hợp nhân tế bào acid deoxyribo nucleic (ADN), acid ribo nucleic (ARN), và protein; hình thành nhau thai; số lượng tế bào hồng cầu gia tăng theo khối lượng máu tăng; tăng trưởng của bào thai; và do tăng thải folate qua nước tiểu trong khi mang thai.
 
 
Lúc nào cần đảm bảo đủ acid folic?

Khi phát hiện có thai mới bắt đầu đảm bảo đủ khẩu phần ăn có 400mcg acid folic thì đã chậm mà nhất thiết nồng độ acid folic phải đảm bảo đủ cao vào thời điểm mang thai. Vì vậy, điều quan trọng là phải bổ sung đủ acid folic trước khi thụ thai. Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo, tất cả phụ nữ mang thai dự định mang thai phải bắt đầu bổ sung đủ acid folic 3 tháng trước thời điểm dự định có thai.
 
Cơ quan y tế của một số nước như: Mỹ, Anh, Canada đã khuyến nghị: cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng có đủ 400mcg acid folic/ngày cho tất cả phụ nữ độ tuổi sinh đẻ bằng các thực phẩm có tăng cường acid folic.
 
Những phụ nữ nào dễ bị ảnh hưởng của thiếu acid folic?

Tất cả bà mẹ đều có nguy cơ tiềm ẩn sinh ra những em bé bị nứt đốt sống, não úng thủy bất kể họ bao nhiêu tuổi, họ có con lần đầu hay đã có nhiều con khỏe mạnh, ngay cả khi sức khỏe của chính bà mẹ rất tốt. Tuy vậy, có một số bà mẹ bắt buộc phải theo chế độ bổ sung acid folic chặt chẽ như sau:
Tình trạng dinh dưỡng kém, sụt cân, ăn ít, khẩu phần ăn không cân đổi, nghèo vi chất dinh dưỡng.
Có giai đoạn không ăn được do mệt mỏi, lo lắng, hoặc chán ăn.
Mới sảy thai, hay thai chết lưu.
Làm việc vất vả hoặc bị căng thẳng thần kinh trầm trọng.
Phụ nữ đẻ dày, có nhiều con, có thể để lại hậu quả tình trạng dinh dưỡng kém, do vậy rất cần đủ acid folic trước khi thụ thai.
Có tiền sử sinh con khiếm khuyết ống thần kinh.
Nghiện rượu hay thuốc lá.
 
Làm thế nào để đảm bảo đủ lượng acid folic?

Acid folic có nhiều trong rau lá xanh như: súp lơ xanh, cải làn; trong các loại hạt như: đỗ tương, đỗ đỏ, đỗ đen và các loại hoa quả và nước hoa quả thuộc họ cam quýt. Đặc biệt, acid folic có nhiều trong gan gia súc và gia cầm... Chỉ cần kết hợp hài hòa sản phẩm tự nhiên nêu trên, phụ nữ hoàn toàn có thể phòng tránh tình trạng thiếu hụt acid folic cho cơ thể.
 
Ngoài việc tăng cường ăn các loại như trên cũng có thể dùng viên bổ sung acid folic. Bổ sung bằng dạng thuốc uống với liều 400mcg acid folic/ngày trước khi mang thai ít nhất là 1 - 3 tháng, và uống acid folic kèm với sắt từ khi phát hiện có thai đến sau khi sinh một tháng. Nên lựa chọn sắt có chứa 60mg sắt nguyên tố, acid folic: 400cmg.
Cần lưu ý là acid folic rất dễ bị phân hủy bởi nhiệt độ cao cũng như quá trình chế biến. Khi chế biến, thai phụ không nên ngâm, rửa cũng như nấu quá lâu cũng để tránh thất thoát thành phần acid folic trong nguồn thực phẩm.

 
 
 
10 loại thực phẩm chứa nhiều acid folic
 
1. Măng tây:
Măng tây là thức ăn có chứa hàm lượng acid folic cao nhất, khoảng 5 cây măng tây có chứa 1.000mcg acid folic. Nhưng khi nấu măng tây, không nên nấu quá lâu, tránh làm tổn thất nguồn acid folic quý giá.
 
2. Rau chân vịt:
Hàm lượng acid folic của rau chân vịt cũng rất cao, là loại rau nổi bật trong số các loại rau xanh sẫm màu. Loại rau này cũng chứa hàm lượng chất sắt phong phú, là một trong những loại rau lành mạnh thích hợp để các thai phụ ăn nhiều.
 
3. Súp lơ:
Súp lơ đứng ngay sau măng tây và rau chân vịt, là một trong những loại rau xanh chứa nhiều acid folic nhất. Nó còn chứa hàm lượng chất xơ phong phú, có thể làm giảm táo bón hiệu quả.
 
4. Lòng đỏ trứng:
Vitamin trong trứng gà chủ yếu tập trung ở lòng đỏ, như acid folic, vitamin A, vitamin D… Nó còn chứa rất nhiều chất sắt, vì vậy đây cũng là nguồn thức ăn tốt để thai phụ bổ sung dinh dưỡng.
 
5. Đậu tương:
Các loại đậu cũng có chứa acid folic cao trong đó hàm lượng của đậu tương là cao nhất. Đậu tương có rất nhiều chế phẩm, như sữa đậu nành, đậu phụ, đậu phụ khô.
 
6. Khoai tây:
Khoai tây thuộc loại thân rễ, ngoài acid folic nó còn chứa khoáng chất kẽm thúc đẩy sự phát triển dây thần kinh não của thai nhi, cũng là loại thức ăn thai phụ có thể ăn nhiều.
 
7. Ngũ cốc thô:
Ngũ cốc chưa qua tinh chế còn giữ nguyên hàm lượng acid folic. Dùng ngũ cốc là món ăn chính, không những có thể tăng lượng hấp thu acid folic, mà còn có thể hấp thu được nhiều chất xơ và một số dưỡng chất khác như các vitamin...
 
8. Gan động vật:
Gan động vật có chứa acid folic, ngày thường có thể ăn một lượng gan động vật thích hợp, nhưng không nên ăn nhiều, vì gan động vật giàu vitamin A, hấp thu quá nhiều sẽ gây những ảnh hưởng không tốt cho cả mẹ và thai nhi.
 
9. Cam:
Cam là loại hoa quả có giá trị dinh dưỡng rất cao, đồng thời cũng chứa rất nhiều acid folic. Ngoài ra, chất xơ phong phú của cam còn có thể làm giảm táo bón hiệu quả. Đây là loại hoa quả thai phụ có thể ăn nhiều.
 
10. Sữa:
Sữa là thức uống bổ sung dinh dưỡng rất lý tưởng, ngoài acid folic, sữa còn chứa rất nhiều protein và canxi. Uống sữa có thể hấp thu được rất nhiều chất dinh dưỡng quan trọng một cách thuận tiện và hữu hiệu cho thai phụ và thai nhi.
 
Hậu quả của thiếu hụt acid folic với phụ nữ mang thai:
Thiếu máu hồng cầu khổng lồ.
Nguy cơ sảy thai cao.
Sinh non, sinh con nhẹ cân.
Có mối quan hệ giữa việc thiếu acid folic với khuyết tật của ống thần kinh của thai nhi (nứt đốt sống và não úng thủy).

 
ThS.BS. LÊ THỊ HẢI (Theo Sức khỏe đời sống)


 
Mom Care: Dịch vụ chăm sóc sau sinh chuyên nghiệp tại nhà ở TPHCM