Nguyên Nhân Và Cách Xử Trí Đầy Bụng Khi Mang Thai

Nguyên Nhân Và Cách Xử Trí Đầy Bụng Khi Mang Thai

Chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc mẹ bầu



Nhiều thai phụ than phiền về chứng đầy bụng khó tiêu và không biết xử trí thế nào. Chị em không cần phải lo lắng quá mức.

Đây là rối loạn thường gặp khi mang thai, do đường tiêu hóa sinh hơi nhiều hơn, thường xảy ra do sự gia tăng progesterone làm giãn các mô cơ trơn trong cơ thể và làm chậm quá trình tiêu hóa.

Mặc dù không cần phải lo lắng khi bị đầy bụng, nhưng chị em không nên nhầm lẫn với đau bụng. Nếu cảm thấy đau bụng nghiêm trọng, cần phải đi khám bác sĩ. Ngoài ra, hãy trao đổi với bác sĩ nếu khó chịu ở bụng tiếp tục trong hơn nửa giờ hoặc bị tiêu chảy, hoặc thấy máu trong phân. Ngoài những triệu chứng cần có can thiệp y tế, việc hiểu biết về nguyên nhân và một số cách xử trí đơn giản giúp thai phụ tự tin hơn trong quá trình thai nghén.

Nguyên nhân gây đầy bụng

Đầy bụng trong thời kỳ mang thai là rối loạn phổ biến, có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân.
Do sinh hơi: khi mang thai sẽ làm thay đổi hormon, những thay đổi này là cần thiết để hỗ trợ bé phát triển. Các chất nội tiết relaxin và progesterone có trách nhiệm kéo giãn cơ vùng chậu trong thời gian chuyển dạ, nhưng chúng cũng có thể gây táo bón. Hệ thống tiêu hóa cũng có thể chậm lại trong thời gian mang thai, làm tăng thời gian để vi khuẩn hoạt động tự nhiên trong ruột phá vỡ thức ăn và tạo thành nhiều khí. Loại khí này thường là nguyên nhân gây ra chứng ợ nóng và đầy hơi.

Do tử cung lớn lên: trứng đã thụ tinh trú ngụ vào niêm mạc tử cung vào tuần thứ 4 của thai kỳ. Các mạch máu nội mạc tử cung cung cấp dinh dưỡng cho phôi cho đến khi nhau thai phát triển. Tình trạng này làm gia tăng lưu lượng máu đến tử cung, làm tăng nhịp tim và làm cho tử cung to lên. Tử cung to lên sẽ chiếm nhiều không gian hơn trong vùng chậu và khiến chị em cảm thấy đầy bụng hơn.

Do táo bón: thai nhi hấp thụ lượng nước trong thức ăn đến ruột khiến phân của thai phụ khô, thậm chí tích tụ phân lâu ở trực tràng, gây ra khí và đầy bụng đi kèm với táo bón và các vấn đề tiêu hóa khác.

Do tăng cân: thai phụ cảm thấy rất nhanh đói trong hầu hết thời gian mang thai, vì vậy họ thường chịu khó ăn uống bồi dưỡng và bổ sung vitamin, dẫn đến tăng cân quá mức. Chị em thấy khó khăn hơn khi hoạt động và dẫn đến căng thẳng trong suốt thai kỳ.

 

Xử trí đầy bụng khi mang thai

Để khắc phục chứng đầy bụng khi mang thai, dưới đây là một số gợi ý cho chị em.

Uống đủ nước: giữ cơ thể đủ nước trong thời kỳ mang thai, nên uống ít nhất 8-10 ly mỗi ngày. Đôi khi, chị em cảm thấy đầy bụng và đau do hội chứng ruột kích thích (IBS). Nếu rơi vào trường hợp này, không nên uống nước trái cây có chứa nhiều đường sẽ thúc đẩy đầy hơi nhanh hơn. Tốt nhất nên uống nước cam, dứa, nho và nước trái cây nam việt quất.

Tập thể dục: tích cực vận động trong thời kỳ mang thai sẽ giúp hệ thống tiêu hóa hoạt động tốt và ngăn ngừa khí và đầy hơi. Tăng cường hoạt động không có nghĩa là phải có mặt ở phòng tập thể dục mỗi ngày, chị em chỉ cần đi bộ đoạn đường ngắn và đều đặn hàng ngày là đủ. Tập thể dục cũng giúp tăng tốc độ tiêu hóa và khiến thai phụ cảm thấy vui vẻ và khỏe khoắn hơn.

Không ăn đường tinh luyện: chị em cần loại bỏ nước ép trái cây ngọt và đồ uống có ga khỏi chế độ ăn uống, bởi vì chúng có chứa fructose giúp tăng cường và làm trầm trọng thêm đầy bụng trong thời gian mang thai. Thay vào đó, hãy chọn trái cây tươi như đào, mơ và chuối.

Ăn thực phẩm giàu chất xơ: tăng cường ăn táo, cà rốt, ngũ cốc nguyên hạt, lá xanh và bánh mì nướng để tăng lượng chất xơ. Những thực phẩm này hấp thụ nước trong ruột và làm thức ăn di chuyển trơn tru qua ruột. Hãy nhớ nên tăng lượng chất xơ từ từ vì ăn quá nhiều chất xơ cũng có thể dẫn đến táo bón.

Nói không với các món ăn dễ gây sình hơi: ngoài tránh sôđa và các chất lỏng gây sinh hơi khác, thai phụ cũng cần tránh thức ăn sinh khí như đậu, hành, bông cải xanh và cải bắp. Các loại thực phẩm chiên có thể không gây ra khí độc, nhưng chúng sẽ làm chậm hệ thống tiêu hóa của bạn và đóng góp vào sự đầy hơi.

Chia nhỏ bữa ăn: một cách đơn giản để đánh bại đầy bụng khi mang thai là ăn ít hơn nhưng thường xuyên hơn. Thay vì ăn ba bữa ăn lớn mỗi ngày, chị em nên ăn ít nhất 5-6 bữa một ngày, sẽ giúp hệ thống tiêu hóa làm việc trong điều kiện tốt nhất và ngăn chặn đầy hơi hiệu quả.

Ăn chậm: tạo thói quen nhai thức ăn kỹ trước khi nuốt. Ăn nhanh dễ gây nuốt không khí, dẫn đến đầy bụng. Ăn chậm và nhai kỹ sẽ giúp hệ thống tiêu hóa không bị quá tải và giảm được lượng khí. Nên ăn khi cảm thấy thoải mái. Đừng ăn khi đang căng thẳng và có tâm trạng buồn phiền. Hít một hơi sâu và thư giãn tinh thần trước khi bắt đầu ăn bữa ăn để ngăn ngừa đầy bụng.


BS. Hoài Châu (Theo Sức Khỏe Và Đời Sống)





Mom Care: Dịch vụ chăm sóc sau sinh chuyên nghiệp tại nhà ở TPHCM